Đúc Kết Một Vài Kinh Nghiệm Khi Edit/Dịch Truyện
Bài viết do @xiao_xiao và mình đúc kết trong quá trình tụi mình mày mò edit, chỉ mang tính chất tham khảo, bạn nào quan tâm thì cùng thảo luận nhé ❤
Note: Bài viết do xiaoxiao và mình đúc kết trong quá trình tụi mình mày mò edit, chỉ mang tính chất tham khảo, bạn nào quan tâm thì cùng thảo luận nhé ❤
1. VỀ CẤU TRÚC CÂU
Trước khi viết lại một câu nào bạn đều nên tự hỏi mình: trạng ngữ đâu, chủ ngữ đâu, vị ngữ đâu, rất nhiều bản QT/CV không hề có chủ ngữ thì mình phải tự thêm vào cho đầy đủ.
Ngoài ra thì mình hay xét câu theo thứ tự: Trạng ngữ + Chủ ngữ + Động từ + Vị ngữ (Sáng mai, chúng ta sẽ đi học.) hoặc Chủ ngữ + Động từ + Vị ngữ + Trạng ngữ (Chúng ta sẽ đi học vào sáng mai.) để viết cho đúng, các bạn có thể tham khảo thử những ví dụ dưới đây để hiểu rõ hơn.
VD 1: Hàn Lỗi hai tay run rẩy => Hai tay Hàn Lỗi run rẩy
Hàn Lỗi gương mặt đỏ ửng => Gương mặt Hàn Lỗi đỏ ửng
VD 2: Hắn đem tình yêu đều trao hết cho nàng => Hắn trao hết tình yêu cho nàng.
Hắn đem cửa đóng lại => Hắn đóng cửa lại.
Tiêu Nại đem Vy Vy kéo lại ôm vào lòng => Tiêu Nại kéo Vy Vy lại ôm vào lòng.
Chu Phóng đem con mèo bế lên giường => Chu Phóng bế con mèo lên giường.
Từ “đem” này trong Tiếng Việt mình rất hay sử dụng, nhưng dùng nó ở vị trí: Chủ ngữ + Đem + Vị ngữ + Động Từ là sai. Trong trường hợp bản QT/CV có cấu trúc như vậy, bạn nên bỏ từ “đem” đi và đảo động từ lên trước.
VD 3: Vi Vi hiện giờ đang rất rối => Hiện giờ Vi Vi đang rất rối.
Húc Phượng lúc này còn đang ngủ say => Lúc này, Húc Phượng vẫn còn đang ngủ say.
Tôi mấy hôm nữa sẽ tới gặp cậu => Mấy hôm nữa, tôi sẽ tới gặp cậu.
Trừ khi bạn có ý định dùng biện pháp tu từ đảo ngữ để nhấn mạnh mốc thời gian, nếu không thì hãy làm đúng theo cấu trúc: Trạng ngữ + Chủ ngữ + Vị ngữ để câu văn nghe thuần Việt nhất.
VD 4: Cẩm Mịch quả nhiên đã biết => Quả nhiên Cẩm Mịch đã biết.
Nhuận Ngọc hiển nhiên hiểu rõ => Hiển nhiên Nhuận Ngọc đã hiểu rõ.
VD 5: Tiêu Nại từ trong ví lấy ra một tờ giấy => Tiêu Nại lấy một tờ giấy từ trong ví ra.
VD 6: Cho nên Tiểu Trang mới có thể cho là mình không thể nói chuyện, đây là tâm lý thượng vấn đề nhỏ, vượt qua đứng lên cũng không khó. => trong nhiều trường hợp, từ ‘đứng lên’ chỉ bổ nghĩa cho động từ chính “Vượt qua” => bỏ luôn từ này. => dịch thành: Vượt qua cũng không khó.
VD 7: Câu hỏi thường có từ ‘có phải hay không’ đứng đầu hoặc giữa câu, để đọc thuận tai thì nên chuyển nó lại cho phù hợp.
Có phải hay không trong nhà có chuyện này a? Cùng Anh Quan cãi nhau? => Có phải trong nhà có chuyện này đúng không? Anh cãi nhau với anh Quan hả?
2. VỀ MỘT SỐ TỪ NGỮ
Có một số từ Hán Việt rất ít sử dụng nếu không muốn nói là hoàn toàn không dùng trong Tiếng Việt (vì lý do đồng âm trái nghĩa hoặc các lý do khác…). Nên khi gặp những từ dưới đây, bạn nên chủ động hạn chế hoặc thay luôn bằng các từ gần nghĩa hay đồng nghĩa khác, chẳng hạn như:
bất quá: có điều/ chẳng qua là/ chẳng qua/ có điều là…
tưởng: nhớ/ muốn/ nghĩ
muốn: phải /muốn
có chút: hơi/ có hơi/ đôi chút/ có chút… nhưng nên hạn chế tối đa từ “có chút” vì trong Tiếng Việt không sử dụng từ này nhiều
nguyên lai: hóa ra/ thì ra
căn bản: vốn dĩ/ vốn lẽ/ vốn…
cư nhiên: thế mà/ lại/ lại có thể…
VD: Hắn cư nhiên dám nghênh ngang như vậy => thế mà hắn dám nghênh ngang như vậy.
đạo: từ này nghĩa là nói, nhưng trong quá trình dịch, bạn nên làm phong phú câu văn của mình hơn bằng cách thay bằng các từ khác như kể/ thuật lại/ bảo/ hỏi/ đáp/ quát/ gắt lên/ nhắc/ thì thầm/… sao cho phù hợp ngữ cảnh mà nhân vật đang ở trong tình huống đó. Hoặc thậm chí bạn có thể thay bằng các từ chỉ hoạt động và biểu lộ tâm trạng.
VD: Chu Phóng dỏng tai hóng chuyện: “Đúng thế, anh có thấy gì bất thường không?”
Quan Cố thở dài: “Có, tựa như trước đây vậy, anh thiếp đi khoảng hai ba lần gì đó.”
“Không sao cả, anh đã bảo là việc này không ảnh hưởng gì đến cơ thể anh mà.” Quan Cố trấn an hắn.
Chu Phóng an tâm sau đó đổi đề tài tiếp tục tám: “À, xế chiều hôm nay…”
ly khai: rời đi/ rời bỏ/ bỏ đi/ đi
thập phần: vô cùng/ cực kỳ/ rất/ mười phần…
phi thường: vô cùng/ rất…
không: không/ chẳng
thực: hạn chế lạm dụng, có thể thay thế: VD: thực đắng => đắng quá/ đắng lắm/ rất đắng…
cùng: VD: A cùng B đi chơi => A và B đi chơi hoặc: “Cùng nó cãi nhau à?” => “Cãi nhau với nó à?”
nghĩ nghĩ: suy nghĩ/ nghĩ một lát/ ngẫm nghĩ/ nghĩ
cười cười: mỉm cười/ khẽ cười/ bật cười/ dịu dàng cười/ cười thấu hiểu…
hảo hảo: VD để tôi hảo hảo suy nghĩ lại => để tôi suy nghĩ kĩ lại đã.
vì cái gì: vì sao/ tại sao/ vì lẽ gì
không cần: đừng/ không cần (tùy trường hợp)
biểu tình: vẻ mặt/ sắc mặt/ biểu tình/ thái độ…
vô luận: bất kể/ bất luận
thanh âm: từ này khi dò từ điển Tiếng Việt sẽ thấy cực kỳ ít dùng, vì thế nên thay bằng giọng nói/ tiếng nói/ âm thanh/ tiếng động… tùy ngữ cảnh sẽ thích hợp hơn
thủy chung: Trong Tiếng Việt mình từ này nghĩa là tình cảm gắn bó không thay đổi, nhưng từ Hán Việt đó trong một số trường hợp lại có nghĩa là từ đầu tới cuối.
VD: Mẹ tôi thủy chung không thèm nói câu nào => Từ đầu đến cuối, mẹ tôi vẫn không buồn nói lời nào.
liền: trong bản QT/CV, từ liền này thường xuất hiện rất nhiều, tùy trường hợp mà bạn nên chuyển thành: thì, sẽ, đã, rồi…, chỉ dùng từ “liền” trong trường hợp nó miêu tả hoặc chỉ một hành động diễn ra ngay sau đó, còn những hành động trong quá khứ thì nên dùng từ đã. Tương tự với các ngữ cảnh khác.
VD: Nếu phụ thân không thích, liền thưởng cho nhi tử đi.
=> Nếu phụ thân không thích thì thưởng cho nhi tử đi.
thân ảnh: Trong từ điển Tiếng Việt vốn không có từ này, nên thay bằng các từ gần nghĩa khác như bóng dáng/ hình bóng/ hình ảnh/…cho phù hợp.
là, thì là, chỉ là, cũng là, có là…: những từ này phần lớn nên bỏ đi hoặc thay đổi tùy theo ý diễn đạt mà câu văn đang nhắc tới
VD: Tôi là muốn giúp đỡ hắn mà thôi. => Tôi chỉ muốn giúp đỡ hắn mà thôi.
a, nga, ân: Hạn chế tối đa hoặc nên bỏ luôn từ này, vì khi đặt các từ đó cuối câu khiến câu văn trở nên không thuần Việt và làm giảm bớt tính nghiêm túc của lời nói.
VD: Tôi thích hắn lắm a => Tôi thích hắn lắm.
Tôi đi học rồi nga => Tôi đi học rồi.
Ân, em vui lắm => Vâng/ dạ, em vui lắm.
cười hắc hắc: hắc hắc là mô phỏng âm thanh tiếng cười trong tiếng Trung, ở tiếng Việt mình, có thể chuyển ngữ thành ha hả, hì hì, hi hi…. chứ không nên dùng cụm từ đấy.
hướng, hướng về phía: từ này dùng để chỉ phương hướng, tùy trường hợp bạn cũng có thể bỏ đi hoặc thay từ thích hợp khác.
VD: Tiểu cô nương hướng bọn hắn vẫy tay tạm biệt => Tiểu cô nương vẫy tay tạm biệt bọn hắn.
3. LIÊN KẾT CÂU VĂN
Người Trung Quốc có đặc điểm là trong một câu rất dài họ chỉ toàn dùng dấu phẩy và đợi hết đoạn mới chấm. Khi mình dịch qua Tiếng Việt thì không nên làm thế. Vì như bạn đã biết, trong Tiếng Việt thì cứ mỗi khi gặp dấu phẩy chúng ta sẽ tự động ngắt câu nghỉ một nhịp. Nếu cứ liên tục ngắt câu bằng dấu phẩy như vậy thì sẽ khiến đoạn văn nghe rất lủng củng. Bạn có thể thay bằng các từ nối như: nhưng/ nên/ tuy vậy/ vậy nên/ thế/ bèn/ liền/ mà/ thì…. để liên kết các câu lại.
VD 1: Tiểu Trang thấy hắn nóng nảy, vội vã nói => Tiểu Trang thấy hắn nóng nảy NHƯ VẬY BÈN vội vã nói.
VD 2: Khổ nỗi đang là Tuần Lễ Vàng, người dân đổ ra đường đông nườm nượp => Khổ nỗi đang là Tuần Lễ Vàng NÊN người dân đổ ra đường đông nườm nượp.
VD 3: Chờ rốt cục về đến trước chung cư, hắn cảm tưởng chính mình đã sốt ruột muốn nổ tung lên rồi => Chờ rốt cục về đến trước chung cư THÌ hắn cảm thấy chính mình đã sốt ruột muốn nổ tung lên rồi.
4. TRÁNH LỖI LẶP TỪ
Trong quá trình beta truyện, các bạn nên tránh tối đa việc lặp từ, nhất là từ bị lặp cùng nằm ở vị trí cuối câu sẽ làm câu văn mất hay.
VD 1: Cửa mở ra, trước mặt Lâm Tĩnh là Vi Vi đang cúi xuống cởi dây giày ra.
=> Cửa mở ra, trước mặt Lâm Tĩnh là Vi Vi đang cúi xuống cởi bỏ dây giày.
Hoặc: Cửa vừa mở thì Lâm Tĩnh liền nhìn thấy Vi Vi đang cúi xuống cởi dây giày ra.
VD 2: Phù Ly xuyên qua khung cửa nhìn một con chó nhà đang lạch cà lạch cạch đạp máy may, “Không có gì, chỉ là nhìn thấy một người quen mà thôi.”
=> Phù Ly NHÌN xuyên thấu qua khung cửa THẤY một con chó nhà đang lạch cà lạch cạch đạp máy may, “Không có gì, chỉ là BẮT GẶP một người quen mà thôi.”
VD 3: Lúc đi ngang qua một tiệm sách, Phù Ly thấy mấy quyển sách sắp xếp rất bắt mắt nên đi vào chọn mấy quyển sách tham khảo. Sở Dư nhìn tựa đề mấy quyển sách, cái gì mà toàn “Tập hợp đề thi tốt nghiệp của bảy năm gần nhất”, “Tuyển tập đề thi tốt nghiệp”, “Hướng dẫn giải bài thi” linh tinh.
=> Lúc đi ngang qua một tiệm sách, Phù Ly thấy cửa hàng sắp xếp rất bắt mắt nên nảy hứng muốn đi vào lựa mấy quyển TÀI LIỆU tham khảo. Sở Dư nhìn lướt qua tựa đề VÀI CUỐN, cái gì mà toàn “Tập hợp đề thi tốt nghiệp của bảy năm gần nhất”, “Tuyển tập đề thi tốt nghiệp”, “Hướng dẫn giải bài thi” linh tinh.
Ngoài ra, khi gặp những chỉ từ như từ “này”, để tránh lỗi lặp, chúng ta có thể thay bằng các chỉ từ khác, chẳng hạn: kia/ đó/ đấy/ ấy/ nọ/…
5. THÊM TÌNH THÁI TỪ VÀO CUỐI CÂU THOẠI ĐỂ BỘC LỘ CẢM XÚC
Đối với những câu thoại khi giao tiếp với nhau hoặc khi nhân vật tự suy nghĩ, độc thoại nội tâm thì bạn nên thêm tình thái từ (nhé, nha, ha, ư, vậy, nghen, à, ạ,…) vào cuối câu để câu văn có màu sắc cảm xúc hơn, thay vì thuật lại một câu văn cứng nhắc như thuyết minh đơn thuần.
**VD 1: **Việc này ồn ào đến mức làm um sùm trên mạng suốt hai ngày.
=> Việc này ồn ào đến mức làm um sùm trên mạng suốt hai ngày luôn cơ/ lận đấy/ luôn nhé…
VD 2: Nghĩ đến việc ngàn năm vạn năm sau mình đều phải ở lại đáy biển, nỗi sợ hãi của Chu Yếm hoàn toàn biến thành phẫn nộ.
=> Nghĩ đến việc ngàn năm vạn năm sau mình đều phải ở lại đáy biển này khiến nỗi sợ hãi của Chu Yếm thoáng chốc hoàn toàn biến thành phẫn nộ rồi.
VD 3: Mấy người thu hơn một ngàn đơn ứng tuyển, vậy có khoảng bao nhiêu danh ngạch?
=> Mấy người thu hơn một ngàn đơn ứng tuyển lận à, vậy có khoảng bao nhiêu danh ngạch thế?
6. KHÔNG NÊN DÙNG TỪ XƯNG HÔ CỔ ĐẠI Ở VĂN BỐI CẢNH HIỆN ĐẠI
Ví dụ như ở văn hiện đại, bạn không nên dùng những từ gọi vợ – chồng là lão bà – lão công, hoặc dùng các từ xưng hô như: nàng/ chàng/ a di/ phụ thân/ mẫu thân/ tức phụ/ hiền tế…
7. THAY TÊN BẰNG ĐẠI TỪ XƯNG HÔ HOẶC TỪ THAY THẾ
Trong bản dịch, việc tên nhân vật xuất hiện thường xuyên là điều không thể tránh khỏi, nhưng bạn có thể giảm thiểu việc lặp từ tối đa bằng cách thay vì gọi tên nhân vật liên tục thì hãy thay bằng đại từ xưng hô (anh, hắn, cậu, cô nàng, y, ả, gã….) hoặc thay hẳn bằng danh từ – biệt danh khác làm câu văn đa dạng hơn. Không nhất thiết cứ phải tác giả gọi vậy bạn mới được quyền dịch theo, mà chỉ cần biệt danh đó không làm lệch đi so với nguyên tác thì bạn vẫn có thể tự đặt.
VD 1: Trong tác phẩm Đọc Thầm của Priest, mỗi khi nhắc về con mèo Lạc Một Nồi, editor sẽ dùng rất nhiều cách gọi khác nhau khiến người đọc thấy đa dạng, phong phú và hứng thú hơn:
Con mèo này/ Lạc Một Nồi/ ngài Nồi/ boss Lạc/ sếp Nồi/ con trai cưng/ mèo cưng/ cậu con trai bảo bối/ tên phá gia chi tử/ tên quỷ con/ thằng nhóc đó/ hoàng thượng/ quan đại nhân Lạc Lạc/…
VD 2: Trong tác phẩm Scandal hàng đầu, mỗi khi nhắc về Phương Đường:
Mình thường gọi bằng: Phương Đường/ Phương đại minh tinh/ cậu/ cậu nhóc/ cậu bé/…
Trợ lý nói về Phương Đường thì sẽ là: nghệ sĩ nhà mình/ diễn viên nhà mình/ anh Phương/ anh Phương Đường/ Phương đại minh tinh/ ông chủ của cậu/ vị đại minh tinh #có_lớn_mà_không_có_khôn kia/….
Hứa Ánh Dương khi nói về Phương Đường: Phương Đường/ người yêu nhà anh/ con gà ngốc của anh/ bảo bối/ #cậu_nhóc_suốt_ngày_lạc_đường nhà anh/…
8. NÊN ĐỌC LẠI BẢN EDIT CỦA MÌNH TRƯỚC KHI ĐĂNG LÊN
Thật vậy, dù bạn edit tốt như nào thì vẫn khó tránh khỏi lỗi đánh máy, lỗi giãn khoảng cách giữa từ và dấu câu… Thế nên trước khi đăng truyện của mình lên bất cứ đâu, hãy cẩn thận đọc và dò lại ít nhất một lần để bản dịch được hoàn thiện nhất có thể nghen. ^^~